Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Hai hệ giá trị

04/12/2011


PV Quốc Doanh
Ở nước ta đang có hai luồng tư tưởng đối chọi, đề cao hai hệ giá trị khác nhau. Luồng thứ nhất, muốn duy trì quyền lực tuyệt đối của Nhà nước; luồng thứ hai, đòi quyền tự do rộng rãi cho dân chúng. Luồng thứ nhất hiện rõ trên những tờ báo (và đài) của Nhà nước; luồng thứ hai sôi nổi ở những nơi dân được tự do bày tỏ ý kiến, từ bàn cà phê vỉa hè đến mạng internet.

Hai luồng tư tưởng rất khác nhau trong cách thể hiện. Luồng thứ nhất lòng vòng, luồng thứ hai thẳng thắn. Luồng thứ nhất muốn duy trì quyền lực tuyệt đối của Nhà nước thường nấp sau sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, với lập luận cho rằng Đảng là vì dân, nên Nhà nước cũng vì dân, mọi việc làm của Nhà nước đều vì dân. Nhưng hiện nay, nhiều việc làm của Nhà nước chưa rõ vì dân, lại phải viện dẫn quá khứ để chứng minh. Do đó, luồng thứ nhất thể hiện ở đâu cũng vậy, lòng vòng, vận dụng đủ thứ lý luận bắc cầu, và cả ngụy biện. Còn luồng thứ hai, trực tiếp nên ngắn gọn rõ ràng, theo tư tưởng của Bác Hồ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.
 
Hệ giá trị của luồng thứ nhất là thần thánh hóa Nhà nước, đi đến thần thánh hóa lãnh đạo Nhà nước, thực chất là thần thánh hóa những cái ghế chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Những cái ghế ấy như ngai vàng, không được đụng đến, ai ngồi vào đó nghiễm nhiên là thần thánh không được đụng đến. Hệ giá trị này thuyết phục xã hội bằng cách đe dọa, sử dụng các loại sức mạnh làm cho xã hội sợ mà nghe theo. Còn hệ giá trị của luồng thứ hai, giản dị trong sáng vẫn theo lời dạy của Bác Hồ, dân có quyền lực tuyệt đối đến mức: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.

Cái luồng tư tưởng thứ nhất cũng tự thấy đi ngược với tư tưởng của Bác Hồ, không được nhiều người ủng hộ, nên đang rất lúng túng, có phần hoang mang. Đến mức thể hiện lối trình bày kỳ quặc, cho rằng chỉ số ít người trong bộ máy Nhà nước hoặc có chung lợi ích mới là nhân dân đích thực; còn đông đảo nhân dân chỉ là đám quần chúng ô hợp, rác rưởi. Để bảo vệ hệ giá trị ấy, nhiều nơi đã sử dụng công an chìm, giấu mặt, thậm chí khoác áo “xã hội đen”. Đó cũng là biểu hiện của một hệ giá trị đi đến điểm khủng hoảng cực độ, bế tắc.
Ngày 3/12/2011
PV Q. D.
Nguồn BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét