Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

"Bọ Lập" kể 'Chuyện đời vớ vẩn'



Cách đây hơn một năm, lần đầu gặp những tiếng “quê choa” và “Bọ Lập” tôi chẳng hiểu gì. Tìm đọc mới biết Bọ Lập là bút hiệu của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Lập, gốc Quảng Bình và là chủ Blog Quê Choa.
Là một nhà văn có tiếng trong nước, thoạt đầu Bọ Lập nghi ngờ khả năng chuyển tải tư tưởng, thông tin cùng giao tiếp với độc giả qua bờ-lóc, sau thử mới biết sức lan tỏa của nó. Năm 2007 Bọ Lập mở Blog Quê Choa, hiện có rất nhiều độc giả và cộng tác viên. Đông bạn đọc viết còm nhưng vì có những ý kiến “phản động” nên chủ bờ-lóc đã đóng phần này từ nhiều tháng nay.
Một số bài trên Blog Quê Choa vừa được in trong tập tạp văn Nguyễn Quang Lập: Chuyện đời vớ vẩn[Nxb Văn Học 2011. 395 trang]. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết lời giới thiệu. Nội dung sách gồm 59 bài kí sự, hồi ức, giai thoại văn học và chút ít chính luận.

Những trang viết về Phùng Quán

Câu chuyện đầu tiên có tựa “Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán” tạo ngay tò mò cho người đọc. Sáu trang sách mở ra với nhiều giai thoại văn học về thi sĩ Phùng Quán.
Xe trâu là xe đạp sản xuất ở Liên Xô ngày trước, rất cứng, tốt, tải được vài tạ hàng. Phùng Quán chỉ muốn có một đồng hồ báo thức Liên Xô để con gái đi học không bị muộn. Tình cờ tham gia thi viết về Lênin lại đạt giải nhất là chiếc xe đạp. Lúc đó Phùng Quán viết, nhờ chú em họ đứng tên nên câu chuyện trở nên lôi cuốn và vui theo văn phong Bọ Lập.
Qua chuyện kể độc giả còn biết tình tiết trong “Vượt Côn Đảo” và “Trường ca Võ Thị Sáu” tưởng như thực ngoài đời nhưng phần lớn do trí tưởng tượng của thi sĩ mà sau này một số văn nghệ sĩ cứ thế sao chép, viết nhạc như những điều có thật.
"Qua nhiều cuộc tình khác Bọ Lập kể lại, người đọc nhận ra yêu đương thời chuyên chính vô sản phải có sự chấp thuận của Đảng."
Giai thoại về Phùng Quán còn được kể trong vài chuyện nữa. Bài thơ “Lời mẹ dặn” nổi tiếng với câu “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét” đưa đến biết bao hệ lụy. Nay độc giả biết được Trúc Chi, người kịch liệt đả kích Phùng Quán vì bài thơ, chính là Hoàng Văn Hoan.

Những chuyện tình của Phùng Quán được phơi ra có cuộc tình với Nhủ trong đội Chim hoà bình.
Qua nhiều cuộc tình khác Bọ Lập kể lại, người đọc nhận ra yêu đương thời chuyên chính vô sản phải có sự chấp thuận của Đảng. Ngoại tình là hủ hoá, ai phạm sẽ bị phê bình kiểm thảo rất nặng. Chính sách đó dẫn đến cái chết của 14 thành viên Đoàn Ca kịch Quảng Bình.
 
Hậu trường

Trong tạp văn, kinh nghiệm sáng tác và làm báo được ghi lại li chi. Đọc “Khách văn” sẽ thấy nỗi khổ của toà soạn khi chạm mặt với tác giả gửi bài. Họ đến toà soạn chờ đợi một câu trả lời. Biên tập viên được mời đi ăn cơm, đi uống cà-phê. Bài không thể đăng không dám nói thẳng mà hứa cho qua chuyện. Có tác giả tưởng bài sẽ được đăng, sẽ có tiền nhuận bút nên cứ tiêu trước hết cả tiền về xe.

“Nổ và nổ, he he” minh họa một bản tính - theo ngôn ngữ bình thường là “khoác lác” hay “ba sạo” - được tác giả nhắc đến như thói xấu của người Việt. Từ số in 5 trăm thành 5 nghìn, từ nhà thơ lên thi sĩ rồi lên luôn hàng thi bá.

Trong “Ối tiền ơi!” tác giả nhận định người Việt không thành thật. Nghệ sĩ tham tiền, giả dối. Những nhận xét có thể gây sốc nhưng có lẽ là nhiều điều thật ngoài xã hội.


Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết khá thẳng thẳn và mạnh mẽ trên trang blog cá nhân của mình, blog "Quê Choa".

Thiếu suy luận, kém hiểu biết khoa học là cái yếu khác của dân Việt. “Có bệnh thì vái tứ phương” cho thấy người mình hay tin dị đoan, tin bói, tin thày lang vườn để rồi tiền mất tật mang. Sau khi bị tai nạn năm 2001, tác giả lúc đầu cũng dùng thuốc vườn, sau bỏ và tìm cách trị liệu khoa học nên phục hồi khả năng đi đứng được nhiều.

Chiến tranh

Sự việc Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông làm nhiều trí thức bức xúc. Bọ Lập có nhắc qua trong sách, không nhiều và mạnh như trên Blog Quê Choa. Có thể vì thế mà bờ-lóc của ông đôi lúc bị tường lửa.
Trần Tiến là nhạc sĩ, nhưng ít ai biết thời học sinh ông giỏi toán nhất miền Bắc. Tác giả của nhiều tình ca để đời, thời chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979 ông sáng tác bài “Những đôi mắt như hình viên đạn” rất xung.

Nghe Trần Tiến hát lại ca khúc đó, Bọ Lập ghi chép như sau: “Anh đột ngột dừng lại giữa chừng, ngồi rũ ra không nói gì. Rất lâu sau anh ngước lên rưng rưng nhìn mình, nói Biển Đông đang nổi sóng mà tao già mất rồi mày ạ. Khốn thế.” Câu nói ấy phải chăng ẩn ý an phận của một nghệ sĩ có tiếng của Việt Nam?

Đọc Bọ Lập, hình ảnh chiến tranh ẩn hiện nhưng không nặng tính căm thù. Sơ tán. Hầm trú. Bom đạn tàn phá quê hương Quảng Bình giết chết nhiều dân lành trong đó có cô bé Hà, có đôi anh chị Trung và Thu. Đọc qua không khỏi rưng rưng lòng.

Bên cạnh tang thương, qua cách nhìn của tác giả những sản phẩm chiến tranh của Mỹ nhiều lúc cũng đem lại niềm vui cho dân làng. Những chiếc dù trái sáng dân quê giành nhau vì đó là thứ vải tốt nhất, đẹp nhất thời bấy giờ. Hay chuyện bắt phi công Mỹ với món quà thưởng rất lớn.

Giọng văn Bọ Lập rất hàm tiếu. “Đời yếm” viết về chiếc coọc-sê khiến người đọc không nhịn cười được. Phụ nữ Quảng Bình dùng nịt ngực chi mô mà cứng và nhọn. Hết chiến tranh người dân quê ông mới được rờ đến chiếc nịt ngực của phụ nữ miền Nam làm bằng mút, êm ái biết bao.

Đời thường
"... đọc tạp văn để thấy bóng hình nhiều văn thi nhạc sĩ, để gặp kẻ nhậu, người say, thấy thày cô cũ, làng xóm xưa, thấy tuổi thơ thời chiến tranh, trai gái thời bao cấp, thấy đời sống ngày nay qua một cách nhìn hết sức bén nhạy, dí dỏm."
Về đời sống xã hội, chuyện kinh tế chuyển từ bao cấp qua thị trường khiến giới nhà văn, nhà báo cũng nhảy ra làm ăn cá thể, kẻ thành người bại, từ nuôi ốc bươu vàng, chế bia Vạn Hạnh sang nuôi yến, trong đó có Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên.

Đọc tạp văn độc giả biết được trong giới văn thi sĩ nổi tiếng ai có tật nói rất dài, rất dai và nhiều chuyện về đại hội nhà văn Việt Nam. Bọ Lập châm biếm các cụ Vũ Đình Liên, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông nhưng chắc không ai giận.

Hoàng Phủ Ngọc Tường được nhắc đến nhiều vì từ anh Bọ Lập học được biết bao điều về văn chương, về cách ứng xử từ những ngày làm văn hoá ở Bình Trị Thiên. Anh Tường ở đâu Tết Mậu Thân? Theo Bọ Lập, lúc đó nhà văn vẫn còn trong rừng, lời nói của anh được thu trước để phát trên đài. Vì rất thân với nhau nên bệnh tình, đời sống sinh lí của anh Tường cũng được tác giả hé mở.

Chuyện đời vớ vẩn, như nhận định của Phan Xuân Nguyên không thể coi là vớ vẩn. Nhà phê bình văn học đã viết trong lời giới thiệu: “Hãy cứ đọc cuốn sách như chứng tích của một thời đã qua và đang qua, của một người và của nhiều người…”.

Thật thế, đọc tạp văn để thấy bóng hình nhiều văn thi nhạc sĩ, để gặp kẻ nhậu, người say, thấy thày cô cũ, làng xóm xưa, thấy tuổi thơ thời chiến tranh, trai gái thời bao cấp, thấy đời sống ngày nay qua một cách nhìn hết sức bén nhạy, dí dỏm.

Hầu hết những câu chuyện đều lôi cuốn. Một vài chỗ biên tập không kĩ nên có đoạn trùng lập nguyên văn, như khi kể về chiếu rượu trong “Chơi thơ” và “Chuyện buồn đau một thuở”. Ngày Tết của thằng Tý mù ở làng Đông và sự việc khi còn bé tác giả được gặp ca sĩ Ái Vân cũng bị lập lại.

Ngoài sự hấp dẫn qua giọng văn kể chuyện vui và chậm rãi, Bọ Lập còn mang vào văn chương nhiều phương ngữ Quảng Bình và tiếng cười trong cách viết. Khi “hề hề”, “khì khì”, “he he”, khi “hi hi”, “hè hè”. Có lúc “cười sật sật”, “cười cái hậc”.

Văn chương Bọ Lập luôn làm người đọc phải tủm tỉm cười.

Tác giả hiện dạy học và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết thể hiện cách nhìn của riêng ông.

Nguồn BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét