Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

NGÀY XUÂN, ĐỌC LẠI BÀI THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG GỬI NGUYỄN DU




Thạch Quỳ

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không!
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong!
Biết còn mảy chút sương đeo mái ?
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong!

Bài thơ này có tên là “Cảm cựu kiêm trình cần chánh học sĩ Nguyễn hầu”
(Nhớ người cũ,viết gửi cần chánh học sĩ Nguyễn hầu). Hồ xuân Hương còn cẩn thận ghi thêm một giòng chú thích “Hầu,người làng Tiên Điền, huyện Nghi xuân”. Ông họ Nguyễn làm quan, giữ chức Cần chánh học sĩ có tước hầu, lại là người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân thì chắc chắn đấy là Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều được Gia Long ban tước “Du-Đức hầu” vào năm 1810, chứ không thể ai khác! Năm 1810, Nguyễn Du đang làm Cai bạ ở Quảng bình, Gia Long gọi về kinh thăng chức” Cần chánh học sĩ” và phong tước hầu. Hồ xuân Hương nghe “tin mừng”đó, lòng đầy cảm xúc, xốn xang chuyện cũ nên viết bài thơ này mong gửi tới “người xưa”. Bài thơ nói “Chữ tình chốc đã ba năm vẹn” tức là mối tình của hai người đã nẩy nở dan díu vào quãng 1806-1807, khi Nguyễn Du làm tri phủ Thường tín ở ngoài Bắc,lúc bấy giờ Nguyễn Du trên dưới 40 tuổi và Hồ xuân Hương trên dưới 30 tuổi, họ cách nhau xấp xỉ 10 tuổi. Vậy là đến 1810, Hồ xuân Hương quãng 33 tuổi hãy còn ở “Cổ nguyệt đường” tại phường Khán xuân, có lẽ mẹ đã mất, một mình một bóng, chưa có mối tơ duyên nào khác, ngoài mảnh tình xưa mà nay thì “Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ nhung”. Đọc bài thơ ta thấy lòng nàng cô đơn, cô quạnh pha chút hờn dỗi, tủi thân, người thì “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập” ta thì “Phấn son càng tủi phận long đong”! Và cái chữ tình “chốc đã ba năm vẹn” đó nay đã hoá thành “Giấc mộng rồi ra nửa khắc không”!
Biết còn mảy chút sương đeo mái…

Nàng vớt vát nghĩ rằng trong lòng người cũ còn rơi rớt lại một chút tình xưa chăng? Ba chữ “Sương đeo mái” do nhà văn Trần thanh Mại phiên âm chữ nôm vào năm 1964, sau đó, nhà nghiên cứu văn học Hồ Tuấn Niếm sợ người đọc hiểu theo nghĩa nghịch ngợm “nói lái” không đúng cách, đúng chỗ làm hỏng ý nghĩa câu thơ nên ông đề nghị sửa lại là “Sương treo mái”. Chuyện đó xẩy ra vào tháng 10 năm 1973. Đến năm 1987, giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ Paris gửi tài liệu về nói rằng ba chữ “Sương đeo mái” hay “Sương treo mái” đều phiên âm chưa chính xác. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào chữ cổ ở trong sách “Thiên nam ngữ lục” và lời hát trong vở tuồng “Thù thế tân thanh” để phiên âm ba chữ nôm đó thành ba chữ “Sương siu mấy”.Thì ra thời Hồ xuân Hương, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19,tiếng Việt vẫn còn dùng chữ “Sương siu” với ý nghĩa là “Bịn rịn”. Nó mới mất đi tính đến nay chưa đầy 1 thế kỷ!
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong!

Câu thơ nói: Biết chàng còn mảy may vương víu bịn rịn gì đến chút tình xưa nữa chăng? Còn thiếp, một mình một bóng năm canh trên lầu nguyệt vẫn thao thức mơ tưởng tới chàng! Xét về địa vị xã hội, cũng như gia thế cộng với hoàn cảnh riêng của Nguyễn Du lúc đó thì giữa hai người có nhiều điểm quá khác biệt nhưng họ là người cùng hội, cùng thuyền, “Cùng một lứa bên giời lận đận” nên họ chung nhau ở cái điểm “Phong vận kỳ oan”, “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nguyễn Du không có thơ trực tiếp trả lời bài thơ này và chắc gì bài thơ đã được gửi đến Nguyễn Du,chúng ta hãy đọc bài “Độc Tiểu thanh ký”của ông:

Chi phấn hữu thần lân tử hậu
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư!

Bài thơ nói về “son phấn” và văn chương.Ta tự coi mình như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì mang phong thái của nết phong nhã. Những mối hận cổ kim xưa nay thật khó hỏi trời!
Tuy vậy, bài thơ Hồ xuân Hương vẫn khắc hoạ một mối tình sâu sắc trong hoàn cảnh éo le, ngang trái,vô vọng,tủi hờn nhưng đầy mộng mơ và rất tha thiết. Nó phản ánh đa chiều về vẻ đẹp phong phú và cao quý trong tâm hồn nữ sĩ,trong chuyện buồn vui muôn đời muôn thuở.
Xây bao nhiêu mộng,thế mà
Người xưa ai gọi ai là cố nhân?
                                                                     
                                                                       Vinh, giáp Tết 2012

Cảm ơn tác giả gửi cho Thắng Xòe

Nguồn http://thangxoe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét